Home Sức khỏe Bệnh GÚT Bệnh Gút nguyên nhân cơ chế bệnh sinh và phân loại gút

Bệnh Gút nguyên nhân cơ chế bệnh sinh và phân loại gút

0
1978
Bệnh Gút nguyên nhân cơ chế bệnh sinh và phân loại gút

I. Bệnh Gút là gì?

Bệnh Gút là bệnh do rối loạn chuyển hoá các nhân purin, có đặc điểm chính là tăng acid uric máu. Khi acid uric bị bão hoà ở dịch ngoài tế bào, sẽ gây lắng đọng các tinh thể monosodium urat ở các mô. Tuỳ theo vi tinh thể urat bị tích luỹ ở mô nào mà bệnh biểu hiện bởi một hoặc nhiều triệu chứng lâm sàng như viêm khớp và cạnh khớp cấp và/hoặc mạn tính, thường được gọi là viêm khớp do gút; hạt tô phi ở mô mềm; bệnh thận do gút và sỏi tiết niệu.

Bệnh thường gặp ở nam giới tuổi trung niên. Nữ giới hay gặp ở độ tuổi sau mãn kinh. Ở những thập kỷ 60, 70 của thế kỷ XX bệnh còn hiếm gặp, chỉ khoảng 0,02 đến 0,2% dân số mắc bệnh gút. Nghiên cứu ở Rochester, Minnesota (2004) cho thấy tỷ lệ mắc mới của bệnh gút nguyên phát tăng gấp đôi trong hai thập kỷ (1977-1996). Ở Việt Nam, theo số liệu thống kê trong giai đoạn 1978-1989, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh gút chiếm 1,5% trong tổng số các bệnh nhân mắc các bệnh cơ xương khớp điều trị nội trú tại khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Bạch Mai. Tỷ lệ này đã tăng lên tới 6,1% trong giai đoạn 1991-1995 và 10,6% trong giai đoạn 1996 – 2000.

II. Nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh và phân loại bệnh gút

2.1. Nguyên nhân gây bệnh gút

Bệnh Gút nguyên nhân cơ chế bệnh sinh và phân loại gút

          Sự xuất hiện bệnh gút có xu hướng liên quan với tình trạng tăng acid uric máu mạn tính. Tuy nhiên chỉ có khoảng 25% các trường hợp tăng acid uric máu sẽ dẫn đến bệnh gút. Khi nồng độ urat cao và trong các điều kiện nhất định sẽ kết tủa thành các tinh thể monosodium urat (MSU) và khi những tinh thể này lắng đọng trong bao hoạt dịch, dịch khớp hoặc các mô khác có thể dẫn đến bệnh gút. Do vậy, có thể nói nguyên nhân chính gây bệnh gút là hậu quả của tình trạng acid uric máu cao. Và vi tinh thể urat có vai trò chính trong cơ chế bệnh sinh của bệnh gút.

Được gọi là tăng acid uric máu khi nồng độ acid uric vượt quá giới hạn tối đa của độ hòa tan của urat trong dung dịch có cùng nồng độ natri như huyết tương, cụ thể là: >7 mg/dl (420 mmol/l) đối với nam giới và >6 mg/dl (360 mmol/l) đối với nữ giới.

Các nguyên nhân gây tăng acid uric máu:

–   Do rối loạn chuyển hóa một số enzyme tham gia vào quá trình chuyển hóa acid uric. Thực ra, các rối loạn này hiếm gặp và thường dẫn đến các chứng tăng acid uric bẩm sinh. Đó là sự thiếu hụt enzyme hypoxanthin phosphoribosyl transferase (HPRT) hoặc tăng hoạt tính của enzyme phosphoribosyl-pyrophosphat-synthetase (PRPP) dẫn đến tăng tổng hợp purine.

–   Do tăng dị hóa các acid nhân nội sinh (tiêu tế bào)

–   Do giảm thải trừ acid uric máu (nguyên nhân do suy thận)

Tuy nhiên, đa số các trường hợp mắc bệnh gút lại là gút nguyên phát. Tình trạng tăng acid uric máu ở gút nguyên phát xảy ra do một bất thường nào đó còn chưa rõ, mà nguồn thức ăn làm nặng thêm.

2.2. Cơ chế bệnh gút sinh ra

Bệnh Gút nguyên nhân cơ chế bệnh sinh và phân loại gút

– Quá trình lắng đọng tinh thể urat và hình thành viêm do tinh thể

Cơ chế bệnh sinh chính của bệnh gút là sự tích luỹ acid uric ở mô. Trong mọi trường hợp, tăng acid uric dẫn đến tích luỹ tinh thể urat tại mô, tạo nên các microtôphi. Khi các hạt tô phi tại khớp bị vỡ sẽ khởi phát cơn gút cấp; sự lắng đọng vi tinh thể cạnh khớp, trong màng hoạt dịch, trong mô sụn và mô xương sẽ dẫn đến bệnh xương khớp mạn tính do gút; sự có mặt vi tinh thể urat tại mô mềm, bao gân tạo nên hạt tô phi, và cuối cùng, viêm thận kẽ (bệnh thận do gút) là do tinh thể urat lắng đọng tại tổ chức kẽ của thận.

– Cơ chế viêm tại khớp trong bệnh gút

Ở nồng độ dưới 7,0 mg/dl (420 mmol/l) và pH bằng 7,4 acid uric  gần như hòa tan hoàn toàn dưới dạng ion dương urat. Khi nồng độ acid uric trong máu lớn hơn 7,0 mg/dl, vượt quá nồng độ hòa tan tối đa, urat kết tủa thành các vi tinh thể monosodium urat (MSU) .

          Các yếu tố có vai trò trong đáp ứng viêm với vi tinh thể vẫn chưa được hoàn toàn hiểu rõ. Tinh thể urat có thể trực tiếp làm khởi phát, phóng đại và duy trì một đáp ứng viêm mạnh, gọi là cơn gút cấp, bởi vì nó có khả năng kích hoạt thành phần viêm dịch thể và tế bào. Con đường gây viêm do tinh thể MSU như sau: Đầu tiên tinh thể urat được phóng thích vào trong khoang khớp, gây kích thích lớp màng hoạt dịch. Khả năng gây viêm của tinh thể liên quan đến khả năng gắn vào các Immunoglobulin và Protein, đặc biệt là bổ thể và Lipoprotein. Phức hợp này gắn vào cơ quan thụ cảm ở bề mặt đại thực bào và dưỡng bào, dẫn đến hoạt hóa và giải phóng các cytokin, yếu tố hóa học và các hoạt chất trung gian khác:

–  Yếu tố Hageman được hoạt hoá tại chỗ, từ đó kích thích các tiền chất gây viêm Kininogen và Kallicreinogen trở thành Kinin và Kallicrein gây phản ứng viêm ở màng hoạt dịch.

–  Từ phản ứng viêm các bạch cầu sẽ tập trung tới, bạch cầu sẽ thực bào các vi tinh thể urat rồi giải phóng các men tiêu thể của bạch cầu (lysozyme). Các men này cũng là một tác nhân gây viêm rất mạnh.

–  Phản ứng viêm của màng hoạt dịch sẽ làm tăng chuyển hóa, sinh nhiều acid lactic tại chỗ và làm giảm độ pH, môi trường càng toan thì urat càng lắng đọng nhiều và phản ứng viêm ở đây trở thành một vòng xoắn bệnh lý kéo dài liên tục

2.3. Phân loại bệnh gút

Bệnh Gút nguyên nhân cơ chế bệnh sinh và phân loại gút

Bệnh Gút nguyên phát: Nguyên nhân còn chưa rõ. Loại này thường có tính chất gia đình, khởi phát thường do ăn quá nhiều thức ăn chứa nhân purin và thường kèm theo uống quá nhiều rượu. Đa số các trường hợp là bệnh gút nguyên phát, do đó, thông thường khi nói đến gút, tức là nói đến gút nguyên phát. Thường gặp ở nam giới trung niên và nữ tuổi sau mãn kinh. Tỷ lệ nữ mắc bệnh gút ở Việt nam thấp (0-0,7%), tỷ lệ này trong các nghiên cứu ngoài nước cũng chỉ khoảng 1-4%.

Bệnh Gút thứ phát:  Là hậu quả của tăng acid uric do tiêu tế bào quá mức (bệnh bạch cầu thể tuỷ mạn tính, thiếu máu huyết tán, bệnh vẩy nến diện rộng….) hoặc do suy thận.

Bệnh Gút do các bất thường về enzymLà bệnh di truyền do thiếu hụt hoàn toàn hoặc một phần enzym HGPRT, hoặc tăng hoạt tính của enzym PRPP

Phạm Hoài Thu

Xem thêm về Triệu chứng bệnh gút

NO COMMENTS

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here