Kỳ 8 (kỳ cuối): Tiếng sáo bi ai của người lấp hang chôn vợ và 5 đứa con trong thảm sát Ba Chúc
Ở vùng đất Ba Chúc (An Giang) đau thương và nước mắt, cùng với bà Hà Thị Nga, thì ông Bùi Văn Lê, thường gọi là Ba Lê, là người đau khổ nhất thế gian này. Ông đã phải tự tay lấp hang chôn vợ và những người con thân yêu.
Ông Ba Lê nhà ở ngay chân núi Tượng. Ông mặc áo bà ba đen, tóc dài búi tó, đúng chất đạo sĩ thoát tục, nhưng đôi mắt thì lúc nào cũng nặng trĩu, u uẩn.
Ông Ba Lê sinh năm 1940. 19 tuổi đã lấy vợ. 20 tuổi có con đầu lòng. Năm 1978, khi Pol Pot thảm sát Ba Chúc, ông tròn 38 tuổi và đã có tới 5 mặt con.
Để an toàn cho gia đình, ông chọn một khe nứt nhỏ trên núi Tượng, rồi khơi rộng miệng hang, đào sâu vào trong núi. Cái hang chỉ nhỏ bằng miệng thúng, khuất sau những tảng đá lớn. Khi chui vào hang, vần những tảng đá lớn lấp lại, thì khó ai có thể phát hiện.
Cứ mỗi khi Pol Pot đánh sang, ông lại xua vợ con chui vào hang ẩn nấp. Ông đã chuẩn bị đồ ăn, đồ uống, đủ sống nhiều ngày trong hang.
Bữa đó, Pol Pot tràn sang, ông đưa vợ, 5 con, cùng 2 người cô ruột trốn lên hang đá. Tổng cộng có 9 người trốn trong hang.
Ông Ba Lê vừa dắt tôi lên núi Tượng vừa chỉ vào những miệng hang và kể: “Buổi chiều tui ra khỏi hang, đi xem xét mấy hang hốc quanh núi, thấy xác người la liệt. Tui đếm được tới 80 xác người bị bọn Pol Pot kéo ra khỏi hang đập chết, bắn chết, đau thương lắm.
Tui gom một số người còn sống trốn vào các hang chưa bị chúng phát hiện, bảo mọi người đừng chạy lung tung, chờ bộ đội đến cứu. Nhưng ít người thoát chết lắm”.
Nửa đêm, ông Ba Lê mò về nhà, thấy nhà cửa tan hoang. Bọn Pot Pot lấy sạch gạo, bắt hết gà, lợn.
Sớm hôm sau, khi mọi người vừa tỉnh dậy, đã nghe tiếng chó sủa xa xa vọng lại. Tiếng chó cứ to dần, rồi rõ mồn một. Khi tiếng chó sủa dữ dội ở cửa hang, thì ông nghe tiếng bọn Pol Pot quát tháo.
Chúng quát tháo một lúc, rồi thò súng vào miệng hang xả đạn. Ông Ba Lê khi đó đứng ngay miệng hang, nép sát vào vách đá nên không trúng đạn. Vợ, con, hai người cô ruột trúng đạn kêu la ầm ĩ.
Không còn cách nào khác, ông phải chui ra khỏi hang, giơ tay hàng. Hai tên Pol Pot lạnh lùng gí nòng súng vào mạng sườn. Khi chúng định bóp cò, thì bất thình lình ông nhảy xuống vực. Bọn chúng xả đạn bắn theo, tuy nhiên chỉ có 1 viên trúng phần mềm ở chân.
Bực mình, bọn Pol Pot đã tung lựu đạn vào trong hang. Ông Ba Lê nằm im sau gốc cây, cách bọn ác thú này độ 200m, nghe tiếng lựu đạn nổ mà như đứt từng khúc ruột.
Khoảng 1 tiếng sau, bọn Pol Pot rút đi, ông quay lại hang, thì người vợ yêu quý, 5 người con, 2 người cô ruột đã tan xác cả. Cái hang nhỏ xíu mà hứng mấy quả lựu đạn thì còn gì là người nữa.
Ông nhặt từng bộ phận xác vợ, 2 cô ruột để lên phía trên hang, 5 người con để phía dưới hang, rồi bê đá lấp kín hang lại, thành nấm mồ.
Ông ngồi bên miệng hang khóc lóc một lúc, rồi như sực tỉnh. Ông chạy khắp núi, gom được tới 50 người đang trốn chạy như bầy chim mất ổ trong bão.
Trong toán người này, có người muốn đi, người muốn ở lại ẩn náu, nhưng ông bảo rằng, nếu ở lại sẽ bị chúng xua chó săn tìm giết sạch, nên tất cả thống nhất trốn khỏi núi Tượng.
Ông dẫn đoàn người đi về hướng cầu sắt Vĩnh Thông. Cuộc trốn chạy kinh hoàng đó vẫn còn in đậm trong ký ức của ông.
Ông Ba Lê nhớ lại: “Lúc tui và mọi người xuống đến chân núi, nhìn thấy phía cánh đồng cầu sắt Vĩnh Thông cảnh tàn sát lương dân kinh khủng lắm. Có tới mấy tốp Pol Pot dắt người dân ra cánh đồng giết hại. Xác người chồng chất ngoài cánh đồng.
Đợi bọn Pol Pot rút đi, tui kêu mọi người cùng bò dọc bờ ruộng, qua cánh đồng để trốn lên núi Dài, sẽ an toàn. Tuy nhiên, cánh đồng vắng vẻ, chẳng có cây cối gì, lại đông người nhốn nháo, nên bọn Pol Pot phát hiện.
Bọn chúng hò nhau vác súng đuổi theo. Đoàn người như chim vỡ tổ, mạnh ai nấy chạy về phía núi Dài. Tui chạy thục mạng, bọn chúng bắn đạn M79 sượt quần áo rách tơi tả mà không trúng người, mà chỉ trúng vào chân. Mặc dù hai chân dính đạn, nhưng tui không thấy đau đớn gì, vẫn chạy băng băng.
Chạy đến núi Dài thì đã 7 giờ tối, điểm lại chỉ còn 7 mạng người. Như vậy, đã có 43 người thiệt mạng.
Về núi Dài, tui và mọi người tiếp tục đi ngay. 5 giờ sáng hôm sau thì đến xã Lương Phi, được bộ đội đón, cho ăn, băng bó vết thương.
Tui thông thạo đường sá, nên vẽ lại đường vào núi Tượng. Cậu em tui đã dẫn mấy đồng chí bộ đội vào núi Tượng đánh giải tỏa, cứu được khá nhiều người mắc lại”.
Suốt mấy năm trời, ông Ba Lê như người mất hồn. Ngày ông thất thểu khắp làng, đêm lên miệng hang đốt nhang, lúc khóc lóc, lúc thổi sáo, kéo nhị ai oán cả cánh rừng.
Sau này, ông mở miệng hang, gom xương cốt đem về nhà mồ. Ông xây ở miệng hang ngôi mộ, rồi coi đó là nơi thờ chung. Ông làm một cái nhà thờ trong rừng, rồi hàng ngày vào đó tụng kinh siêu độ cho vợ con và an tịnh lòng mình.
Nhắc đến ông Ba Lê, người dân ở Ba Chúc từ người già đến trẻ con đều biết. Không chỉ là người đau khổ nhất thế gian này, mà ông còn là nghệ sĩ đờn ca tài tử tài hoa, là ông lang bốc thuốc cứu người. Đặc biệt, tên tuổi ông gắn với tiếng sáo gọi hồn hàng đêm trên núi Tượng sầu thảm, bi ai đến rợn người.
Bây giờ, hang đá bi thương đó đã được chính quyền đặt tên là hang Ba Lê. Hang Ba Lê cùng với 18 hang đá trên núi Tượng là di tích đau thương, mà chúng ta mãi mãi phải ghi nhớ.
Nguồn Facebook Phạm Dương Ngọc Phóng Viên tại Báo Điện tử VTC News