Bệnh đục thủy tinh thể nguyên nhân tiềm ẩn gây mù lòa ?

0
3780

BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ LÀ GÌ?

Đục thủy tinh thể là một lớp phủ tự nhiên, bên trong của mắt. Đục thủy tinh thể làm chói mắt, làm cho khó nhìn rõ. Trong một khoảng thời gian dài, đục thủy tinh thể có thể gây ra chứng mù. Thường xảy ra ở tuổi già hơn, nhưng đôi khi có thể phát triển ở những người trẻ tuổi

Thể thủy tinh làm nhiệm vụ như một thấu kính cho phép ánh sáng đi qua gửi hình ảnh đến võng mạc. Võng mạc có các tế bào cảm quang, sẽ chuyển đổi ánh sáng đó thành tín hiệu và chuyển tiếp đến não qua các dây thần kinh. Lúc đó, não sẽ chuyển đổi các tín hiệu nhận được thành hình ảnh, giúp chúng ta nhìn thấy. Để ánh sáng đi qua được thì thấu kính phải trong suốt. Thấu kính bị mờ đục sẽ cản trở đường truyền của tia sáng lên võng mạc, từ đó gây suy giảm thị lực, thậm chí có thể dẫn đến mù lòa. Tình trạng này được gọi là đục thủy tinh thể, hay còn gọi là cườm khô, cườm đá, cườm hạt.

NGUYÊN NHÂN ĐỤC THỦY TINH THỂ

Bệnh đục thủy tinh thể nguyên nhân tiềm ẩn gây mù lòa ?

Bẩm sinh: trẻ bị đục thủy tinh thể bẩm sinh từ khi mới sinh hoặc trong năm đầu đời do di truyền, bị nhiễm khuẩn, rối loạn chuyển hóa hay phối hợp với các bệnh lý toàn thân.

Tuổi tác: đục thủy tinh thể ở người già tuổi càng cao càng có nhiều nguy cơ bị đục thủy tinh thể do quá trình lão hóa tự nhiên của mắt.

Sau chấn thương: thường xảy ra sau vài tháng hoặc thậm chí là vài năm sau tai nạn khiến mắt bị thương.

Ảnh hưởng bức xạ điện từ: do mắt phải tiếp xúc nhiều với các tia bức xạ điện từ có hại như tia cực tím, tia X,…

Thứ phát: hình thành do biến chứng của các căn bệnh khác hoặc do dùng thuốc đặc trị trong thời gian dài. Các bệnh có thể dẫn đến đục thủy tinh thể chẳng hạn như bệnh đái tháo đường, tăng nhãn áp, viêm màng bồ đào… Bệnh nhân dùng nhiều corticoid, diuretic (thuốc lợi tiểu), thuốc chống loạn nhịp tim (amiiodarone) hoặc một số loại thuốc khác có khả năng cao bị đục thủy tinh thể.

Ngoài ra, một số tác nhân khác cũng có thể làm tăng nguy cơ bị đục thủy tinh thể như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, rượu nồng độ cao, rối loạn dinh dưỡng…

DẤU HIỆU ĐỤC THỦY TINH THỂ

Bệnh đục thủy tinh thể nguyên nhân tiềm ẩn gây mù lòa ?

Đục thủy tinh thể tiến triển từ từ, không gây đau đớn nên thường khó phát hiện trong giai đoạn đầu. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm:

  • Nhìn mờ, có cảm giác như nhìn qua một lớp sương mù hoặc một tấm phim lọc.
  • Nhạy cảm hơn với ánh sáng và sự thay đổi ánh sáng.
  • Thị lực suy yếu rõ rệt, ảnh hưởng tầm nhìn xa trước rồi đến gần, hoặc ngược lại.
  • Đột ngột thay đổi khả năng nhìn. Đục thủy tinh thể làm tăng độ tụ của mắt, khiến cho mắt có khả năng nhìn gần tốt hơn. Nếu một người lớn tuổi luôn cần kính để đọc sách nhưng dần không cần tới nó nữa, khả năng cao là người đó đã bị đục thủy tinh thể. Tuy nhiên, hiện tượng này sẽ biến mất khi đục thủy tinh thể bị nặng hơn, thậm chí khả năng nhìn sẽ trở nên tệ hơn trước.
  • Nhìn thấy nhiều vật cùng một lúc khi nhìn chỉ với một mắt.
  • Thay đổi màu sắc vật, cảm thấy màu sắc của vật như bị phai màu, bạc phếch. Lúc đầu có thể bạn chưa phát hiện ra sự thay đổi này, nhưng dần dần, bạn nhìn thấy mọi vật đều ngả sang một màu vàng hoặc nâu, khó khăn trong việc phân biệt màu xanh và tím.

PHÂN LOẠI BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ

Bệnh đục thủy tinh thể nguyên nhân tiềm ẩn gây mù lòa ?

Đục thủy tinh thể có thể phân thành nhiều loại khác nhau tùy thuộc vào từng tiêu chí riêng biệt. Tuy nhiên, cách phân loại phổ biến nhất là dựa vào vị trí hình thành:

Đục nhân: đục thủy tinh thể hình thành ở giữa thể thủy tinh, khiến vùng trung tâm bị chuyển sang màu vàng hoặc nâu.

Đục vỏ: đục thủy tinh thể hình thành ở lớp vỏ mềm khiến lớp này xuất hiện các hình nan hoa bên ngoài thủy tinh thể và lan dần vào trung tâm.

Đục bao sau: hình thành nhanh hơn hai loại trên và ảnh hưởng đến phần bao sau của thể thủy tinh do các tế bào di chuyển và tăng sản trở lại.

ĐIỀU TRỊ BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ

Bệnh đục thủy tinh thể nguyên nhân tiềm ẩn gây mù lòa ?

Hầu hết các chứng đục thủy tinh thể đều có thể được chẩn đoán bằng cách khám mắt. Khi phát hiện mắt có các triệu chứng như trên, người bệnh nên đến ngay bệnh viện chuyên khoa gần nhất để được kiểm tra và điều trị kịp thời.

Phẫu thuật phaco là biện pháp duy nhất có hiệu quả giúp loại bỏ đục thủy tinh thể. Tuy nhiên phẫu thuật thường không cần thiết hoặc có thể bị trì hoãn trong nhiều tháng hoặc nhiều năm.

Ở giai đoạn đầu khi bệnh chưa cần thiết phải có sự can thiệp của phẫu thuật, người bệnh có thể làm chậm tiến trình đục thủy tinh thể bằng cách bổ sung dưỡng chất và cải thiện môi trường sống.

Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, các loại ngũ cốc, trứng, sữa, cá… để bổ sung Vitamin C, A, E và các dưỡng chất khác như kẽm, lutein, zeaxanthin…Hạn chế ăn mặn, thức ăn nhiều đường và dầu mỡ.

Bên cạnh đó, người bệnh cần tăng cường các biện pháp bảo vệ mắt và cải thiện môi trường sống như luôn đeo kính râm và đội mũ rộng vành khi ra nắng, bỏ hút thuốc, tăng lượng ánh sáng tự nhiên trong nhà hoặc phòng làm việc, trồng thêm cây xanh trong nhà để giữ không khí trong lành hơn…

Khi đục thủy tinh thể bước vào giai đoạn muộn, thị lực bị ảnh hưởng nghiêm trọng và không thể điều chỉnh bằng cách đeo kính, người bệnh cần được tiến hành phẫu thuật loại bỏ đục thủy tinh thể và thay thủy tinh thể nhân tạo (đặt kính nội nhãn). Hiện nay, kỹ thuật mổ Phaco trở nên phổ biến vì nhiều ưu điểm vượt trội. Phẫu thuật Phaco chỉ kéo dài trong khoảng 5 – 10 phút, không gây đau hay chảy máu và có thể xuất viện ngay trong ngày, thị lực phục hồi nhanh chóng và ít để lại biến chứng.

* Khi nào thì người bệnh được chỉ định phẫu thuật?

Phẫu thuật chỉ được tiến hành khi người bệnh đáp ứng được các điều kiện:

–  Đục thủy tinh thể là nguyên nhân chính gây suy giảm thị lực chứ không phải do các bệnh lý khác.

–  Mức độ đục thủy tinh thể tác động nhiều đến giảm thị lực. Thông thường, thị lực kém hơn 4/10 sẽ được bác sĩ xem xét để chỉ định phẫu thuật.

– Tuổi tác của bệnh nhân, tính chất công việc, điều kiện môi trường sống, điều kiện sức khỏe… cũng là những yếu tố được cân nhắc có nên tiến hành phẫu thuật hay không.

Người bệnh sẽ được kiểm tra tổng quát cũng như thăm khám về chuyên khoa mắt kỹ càng để đảm bảo không có những tác nhân khác ảnh hưởng đến cuộc phẫu thuật, giúp tiên lượng thị lực sau mổ, ngăn ngừa các biến chứng cũng như điều trị dự phòng.

Bệnh đục thể thuỷ tinh ngoại trừ một số ít trường hợp đặc biệt (gây tăng nhãn áp, sa lệch, chấn thương) thì không cần phải phẫu thuật khẩn cấp. Người bệnh hoàn toàn có thể chủ động sắp xếp thời gian và chuẩn bị tâm lý trước khi phẫu thuật. Thể thủy tinh nhân tạo cũng có nhiều loại khác nhau với nhiều mức giá phù hợp với điều kiện tài chính của từng cá nhân.

* Kết quả phẫu thuật đục thủy tinh thể

Những ngày đầu sau khi phẫu thuật, mắt có thể bị ngứa và nhạy cảm với ánh sáng. Người bệnh sẽ phải đeo kính để bảo vệ mắt, thông thường sẽ mất khoảng tám tuần để mắt lành lại hoàn toàn. Bạn nên đến bác sĩ thường xuyên để được thăm khám và theo dõi cẩn thận.

Nếu không có các bệnh tại mắt khác thì có khoảng 95% bệnh nhân thu được thị lực >5/10. Các tiến bộ gần đây thậm chí có thể giúp các bệnh nhân bị các tật khúc xạ (cận, viễn, loạn), đặc biệt là những người đang đeo kính lão, không cần mang kính sau phẫu thuật đục thuỷ tinh thể nếu mắt được đặt những thể thuỷ tinh nhân tạo thích hợp.

* Biến chứng bệnh đục thủy tinh thể

Người bệnh có thể bị viêm nhiễm sau phẫu thuật. Tuy nhiên, trong đại đa số trường hợp, viêm nhiễm thường nhẹ và kiểm soát được.

Một trong những biến chứng có thể xảy ra sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể là đục bao sau. Trong phẫu thuật Phaco, bác sĩ nhãn khoa chỉ hút sạch phần lõi của thể thủy tinh đục nhưng để lại một phần bao trước và toàn bộ bao sau để giữ thể thủy tinh nhân tạo được cố định trong mắt. Các tế bào di chuyển và tăng sản tại vùng bao sau có thể khiến phần bao sau bị đục. Khi đó, người bệnh sẽ được tiến hành phẫu thuật laser YAG mở bao sau.

PHÒNG NGỪA BỆNH ĐỤC THỦY TINH THỂ

Bệnh đục thủy tinh thể nguyên nhân tiềm ẩn gây mù lòa ?

Đục thủy tinh thể có thể phòng ngừa bằng cách bảo vệ mắt và có chế độ dinh dưỡng hợp lý:

– Cung cấp đầy đủ Vitamin và các dưỡng chất cần thiết cho mắt như Vitamin A, C, E, kẽm…

– Mang kính râm hoặc đội nón rộng vành khi ra ngoài để bảo vệ mắt khỏi ánh mặt trời.

– Hạn chế sử dụng các thiết bị có bức xạ điện từ độc hại cho mắt như tivi, máy tính, điện thoại di động…

– Không hút thuốc, hạn chế uống rượu bia hoặc các chất có nồng độ cồn cao. Tích cực rèn luyện cơ thể bằng chế độ vận động phù hợp.

– Đảm bảo đủ ánh sáng cho mắt khi đọc sách hoặc làm việc, tốt hơn hết nên sử dụng nguồn sáng tự nhiên.

– Kiểm tra mắt định kỳ 6 tháng 1 lần để sớm phát hiện ra bệnh và có phương pháp điều trị kịp thời.

– Với người mắc các bệnh có nguy cơ cao dẫn đến biến chứng đục thủy tinh thể như đái tháo đường, tăng nhãn áp… cần tích cực phối hợp với điều trị của bác sĩ để kiểm soát tình trạng bệnh và diễn tiến bệnh hiệu quả.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here